Bàn cờ tướng thật sự là một trận địa sinh động, có tầng có lớp và thật
hoàn hảo: đủ các binh chủng trên chiến trường, công có, thủ có, các quân
được chia thành ba lớp xen kẽ hài hoà. Lại còn có cả sông, cung cấm.
Hình tượng quốc gia hoàn chỉnh, có vua tôi, có 5 binh chủng, có quan ở
nhà, quân ra trận v.v…, vừa có ý nghĩa, vừa mang sắc thái phương Đông rõ
nét, vì vậy người Trung Hoa đặt tên cho cờ này là Tượng kỳ (象棋) với ý
nghĩa “tượng” là hình tượng, tức là cờ có đầy đủ ý nghĩa được thể hiện
bằng hàng loạt các hình tượng.
Tuy nhiên, cũng có một số tài liệu lý giải rằng, vì Trung Hoa không có
voi, khi tiếp nhận Saturanga thấy trong các quan có quân voi lạ nên
người Trung Hoa bèn gọi là “tượng kỳ” để kỷ niệm một loại cờ lạ có con
voi. Như thế có người suy ra “tượng kỳ” có nghĩa là cờ voi.
Mà có khi chữ “tượng” là sự kết hợp một cách ngẫu nhiên cả hai ý nghĩa
trên, vì chữ “tượng” chỉ có một cách viết mà thôi và nó có hình dáng con
voi thật.
Ở Việt Nam thì từ xưa tới nay vẫn gọi là cờ tướng chứ không ai gọi là cờ
tượng cả. Tướng cầm đầu thì phải gọi là cờ tướng. Đó cũng là nét hay
của ngôn ngữ Việt, dễ gần gũi, dễ hiểu. Khi cờ vua du nhập vào Trung
Quốc, họ gọi nó bằng cái tên rất dài là “Quốc tế tượng kỳ” (cờ voi thế
giới) và cho đến nay họ vẫn gọi như vậy, trong khi người Việt chỉ gọi
một tên ngắn gọn lại là cờ vua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét